Nhắc đến mảnh đất cổ Hưng Hà, không thể không nhắc đến các lễ hội truyền thống dân gian. Đặc biệt, tháng 3 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội Tiên La. Đây cũng là dịp để du khách hòa mình và khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tháng 3 âm vang rộn ràng với Lễ hội Tiên La truyền thống
Hưng Hà là vùng đất địa linh nhân kiệt, mỗi một vùng quê trên mảnh đất này đều có những nét độc đáo riêng. Nếu nói đâu là dịp mảnh đất này được đón nhiều du khách nhất thì có thể kể đến những tháng đầu năm. Trong đó, tháng 3 âm vang rộn ràng với Lễ hội Tiên La truyền thống: “Đã là con mẹ, con cha/ Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về”.
Ai đã từng ghé thăm quần thể di tích lịch sử đền Tiên La nói chung, Đền Tiên La nói riêng thì có lẽ đều được nghe đến câu chuyện của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục – nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Những chiến công hiển hách của bà đã được sử sách ghi danh và muôn đời các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh, ca ngợi và hương khói, giữ gìn. Ngày 10/3 âm lịch Lễ hội Tiên La chính thức khai hội truyền thống. Vào ngày này, có hàng nghìn du khách ghé thăm. Dòng nước nô nức đổ về hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã với nghi thức Cung rước mẫu Đức Thánh Mẫu. Sự nghiêm trang trong từng nghi lễ được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhặt mà chỉn chu. Hình ảnh những cụ già khấn nguyện, những thanh niên, thiếu nữ trang trọng trong tà áo lễ, và cả ánh mắt háo hức của trẻ nhỏ… Tất cả đã để lại trong lòng người dân và du khách những ấn tượng đẹp về một mảnh đất cổ, đất thiêng, thân thiện và hiếu khách.
Bên cạnh phần lễ trang nghiêm là phần hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian cùng các hoạt động văn hóa đa dạng, như: Thi giã bánh dày, cờ biển, têm trầu cánh phượng, pháo đất, kéo co, liên hoan hát văn, hát chèo. Đối với người dân Hưng Hà, Lễ hội Tiên La chính niềm tự hào, là di sản cần được gìn giữ và phát huy đúng hướng. Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa, mà còn là “sợi dây” kết nối các thế hệ, gắn kết cộng đồng và quảng bá hình ảnh quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Nếu biết đầu tư đúng mức, lễ hội sẽ là điểm nhấn du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo tồn bản sắc dân tộc và lan tỏa giá trị văn hóa Việt trên trường quốc tế.
Lễ hội Tiên La mang trong mình giá trị to lớn đối với nền văn hóa Việt Nam
Lễ hội Tiên La không chỉ đơn thuần là một nghi thức tâm linh hay ngày hội vui chơi. Đối với những người dân nơi đây, đó là điểm tựa tinh thần lớn lao. Lễ hội trở thành dịp để người dân gửi gắm khát vọng về bình an, may mắn; tiếp thêm sức mạnh, niềm tin về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, vươn mình đi khắp bốn bể năm châu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Và đây cũng là một phần không thể thiếu trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước ta – một đất nước luôn biết giữ gìn cội nguồn và tôn vinh giá trị tinh thần của cha ông.
Ở góc độ rộng hơn, Lễ hội Tiên La còn mang trong mình giá trị to lớn đối với nền văn hóa Việt Nam. Đền Tiên La có lịch sử khoảng 2000 năm, là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc ngôi đền đã tạo ra sức hút mãnh liệt, hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với nghi lễ lên đồng và lễ hội. Nghi lễ lên đồng thường được tổ chức vào dịp tháng 3 và tháng 8 âm lịch theo truyền thống “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”, hoặc vào “ngày tiệc” của các Thánh và ngày rằm, mồng một.
Ngoài thờ Mẫu chính là Mẫu Bát Nàn tướng quân, đền Tiên La còn thờ các Mẫu trong Tứ phủ – Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (Mẫu cai quản miền trời), Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Mẫu cai quản miền đất), Mẫu Đệ Tam Thoải Tiên (mẫu cai quản miền nước), Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Mẫu cai quản miền rừng núi), Hội đồng Thánh Cậu (Cậu Bảy Tiên La), Hội đồng Thánh Cô (Cô Bảy Tiên La). Bên cạnh đó, Đền còn thờ các vị thần vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn có công 3 lần chống giặc Mông Nguyên xâm lược; Quan Hoàng Mười có công chống giặc Thanh (Trung Quốc); Quan Hoàng Bẩy có công phò vua an dân…
Lễ hội truyền thống Tiên La đã làm phong phú thêm sản phẩm du lịch tỉnh nhà. Hy vọng rằng, với sự chung tay của chính quyền, nhân dân và sự quan tâm của các cấp, Lễ hội sẽ ngày càng được phát huy đúng hướng, trở thành tài sản tinh thần vô giá, “giữ lửa” văn hóa cho muôn đời.
Nguyễn Tuyết
Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Hưng Hà
Tin cùng chuyên mục:
Lễ dâng hương tưởng niệm 1982 năm ngày hóa của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục
Hội thi kéo co tại Lễ hội Đền Tiên La năm 2025
Hội thi pháo đất Lễ hội Tiên La năm 2025
Liên hoan hát văn lần thứ VI tại Lễ hội Tiên La 2025