Giới thiệu đền Tiên La

GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN MẪU TIÊN LA

Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, thời đại Trưng Vương đã để lại những trang sử oai hùng gắn liền với những chiến công hiển hách của các Nữ anh hùng dân tộc. Lịch sử đã khẳng định: Hai Bà Trưng cùng với các Nữ tướng (đứng đầu là Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục) là hình ảnh tiêu biểu tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam đầu tiên, làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng. Triều đại Trưng Vương đã mở ra một kỷ nguyên đấu tranh chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc giành độc lập dân tộc. Những chiến công hiển hách của Đông Nhung Đại Tướng Quân dưới triều đại Trưng Vương đã được sử sách ghi danh và muôn đời các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh, ca ngợi.

đền tiên la

Cổng đền Tiên La – xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Đại Việt sử ký toàn thư, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam đều viết: “Trang Phượng Lâu là nơi gò rậm, đầm sâu, nằm bên dòng sông Lô thuộc cố đô Văn Lang cũ.

Thời Đông Hán, có Tô Định làm Thái Thú quận Giao Chỉ, Phượng Lâu thuộc châu Bạch Hạc. Cụ Vũ Công Chất là hào trưởng ở Phượng Lâu kết duyên cùng cụ bà Hoàng Thị Màu cùng trang ấp. Cụ Vũ Công Chất vừa làm nghề thầy thuốc, vừa dạy học, lại làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những người khó khăn, được nhân dân tôn trọng, quý mến ”.

Ngày 15 tháng 8 năm Đinh Sửu (tức năm 17 sau Công nguyên), vào giờ Dần, bà Hoàng Thị Màu đã sinh một người con gái, đặt tên là Vũ Thị Thục. Sinh thời, Thục Nương không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với ông Phạm Danh Hương – quận trưởng Nam Châu, dòng dõi lạc tướng. Đôi trai tài, gái sắc đang chờ ngày hôn lễ thì tai họa ập xuống. Thái Thú Tô Định hám sắc, bạo tàn, ép Thục Nương làm vợ. Bị từ chối, hắn giết cha và chồng chưa cưới của Bà và cho quân lùng bắt Bà. Không để rơi vào tay Tô Định, Bà đã một mình giao chiến với kẻ thù, phá vòng vây, vượt sông về vùng Đa Cương (Tiên La, Đoan Hùng ngày nay) nương thân nơi cửa Phật. Tại vùng đất thiêng Đa Cương xưa – Tiên La, Đoan Hùng nay, Bà đã chiêu tập binh mã, dựng cờ mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời đất, dấy binh chống quân xâm lược. Đôi bờ sông Tiên Hưng thuở ấy, ngày đêm vang vọng tiếng mài gươm, luyện võ. Cũng trên mảnh đất Tiên La trang này, Bát Nạn tướng quân đã xây dựng căn cứ địa quan trọng, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân vùng Đa Cương.

Lễ bái yết tại đền Tiên La

Năm 39 – SCN, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi các hào kiệt cả nước về tụ nghĩa. Vì nghĩa lớn, nặng tình riêng, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ vùng Đa Cương đầu quân dưới  Hai Bà Trưng để hợp sức chống quân Đông Hán.

Mùa xuân năm 40 thế kỷ thứ nhất, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng toàn thắng, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Sau khi lên ngôi, Trưng Vương đã khao thưởng quân sỹ, ban phong Bát Nạn tướng quân là:Ngọc Hoa công chúa, Đông Nhung Đại Tướng Quân” – đứng đầu các tướng; ban thưởng đất cả vùng Đa Cương – căn cứ nghĩa quân cũ làm đất thang mộc.

Năm 42 – SCN, Vua Đông Hán sai Mã Viện đem quân sang tái chiếm nước ta. Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục thống lĩnh quân tiên phong cùng Hai Bà Trưng đánh trả quân Đông Hán. Thế giặc rất mạnh, Hai Bà Trưng rút quân về Hát Môn, Phúc Thọ và trong trận quyết chiến, hai Bà đã anh dũng hy sinh vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43 – SCN). Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục cùng quân sỹ lui về vùng Đa Cương hương tiếp tục kháng chiến. Tại đây, quân Đông Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng bao vây ép nghĩa quân. Sau 39 ngày đêm giao chiến ác liệt, quân lương cạn kiệt, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ đã anh dũng hy sinh tại gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, Hưng Hà ngày nay) vào ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 – SCN). Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi bà tuẫn tiết, bọn giặc đã lập trại trông xác bà định để hôm sau treo xác bà thị uy, nhưng chỉ sau một đêm, mối đã xông phủ kín xác bà. Khi quân giặc thấy đống đất mối xông như hình người, biết bà linh hiển, chúng không dám đụng tới nữa.

Sau khi tử tiết hiển linh, nhân dân vùng Đa Cương (Tiên La, Đoan Hùng) đã lập Đền để đời đời khói hương thờ cúng, tưởng nhớ công đức cao, dày của Bát Nạn tướng quân. Đền Tiên La xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn xây dựng lại bằng đá, đền trông ra hướng Tây (phía sông Tiên Hưng) lại toạ lạc trên một gò đất cao với gần 4.000m2 và không bị vật gì che khuất nên nhìn từ góc độ nào ta cũng thấy rõ vẻ thoáng đãng, đẹp đẽ của ngôi đền. Thật là “Thiên Hạ Dương Dương” (rõ ràng trong thiên hạ) mà người xưa đã gắn lên nóc cổng đền để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Qua nhiều thời đại, ngôi đền được tu sửa nhiều lần và ngày thêm đẹp đẽ. Lần tu sửa lớn nhất gần đây vào năm 1933 – 1939. Công đầu trong việc tu sửa đền lần này thuộc về bà Nguyễn Thị Ngóc (người coi đền) và ông Mai Trung Cát (Tổng đốc Bắc Ninh).

Kết cấu đền được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất, hậu đinh” với 3 toà chính là toà tiền tế, toà đệ nhị và toà hậu cung.

+ Toà Tiền tế với 5 gian làm theo dạng mái cong đao guột, được kiến thiết bằng vật liệu gỗ tứ thiết. Nội thất của toà được chạm trổ công phu các nội dung có tích như long, ly, quy, phượng đan xen với thông, cúc, trúc, mai. Các hệ thống y môn, cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối đều được bài trí trang nghiêm với nội dung toát lên sự ca tụng công đức chiến đấu vì dân, vì nước của tướng quân và các nghĩa sĩ của bà. Ở gian giữa của toà tiền tế là ban thờ “Tứ phủ hội đồng”, bên phải là ban thờ “Hội đồng sơn trang”.

+ Toà Đệ nhị được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “chồng diêm cổ các”. Toà Đệ nhị chính là đơn nguyên kiến trúc đặc sắc nhất trong hệ thống kiến trúc của đền Tiên La bởi toàn bộ các hệ thống như: cột, xà, kèo và các mảng cốn đều làm bằng đá rất khéo léo gồm gồm 16 cột đá, 8 xà đá và 8 kèo đá. Cột, xà, kèo đều được chạm khắc công phu. 4 cột cái chạm “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng), 12 cột quân chạm “Long vân” (rồng mây), 8 xà chạm “Tứ quý” (thông, cúc, trúc, mai), hai bên sườn và 8 kèo đá chạm điểm băng hoa dây và chữ triện. Để xây dựng toà Đệ nhị này, 28 thợ đá tài ba từ Ninh Bình đã ra xây lắp, đục chạm. Chính chất liệu xây dựng cùng nét kiến trúc, điêu khắc tài hoa của những người thợ đã làm cho toà Đệ nhị toát lên vẻ đẹp hoàn mĩ mà hiếm nơi nào có được. Chính giữa toà đệ nhị (nằm giữa 4 cột cái) là ban thờ “Tam toà thánh Mẫu” (Bà chúa Bát Ngàn), phía sau ban thờ “Tam toà thánh Mẫu” là ban thờ “Đức thánh mẫu Thượng ngàn” (hiệu Sơn Tinh công chúa), bên trái ban thờ “Đức thánh Mẫu thượng ngàn” là ban  thờ “ông Hoàng Mười”, bên phải ban thờ “Đức thánh Mẫu thượng ngàn” là ban thờ “ông Hoàng Bảy”.

+ Toà Hậu cung (Cung cấm) gồm 3 gian: gian giữa đặt một bàn thờ trên có ngai vàng và tượng Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, gian bên phải thờ Đức thánh Mẫu, gian bên trái thờ Đức thân phụ của bà. Tại đây còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị lịch sử và giá trị thẩm mĩ cao như đôi choé chất liệu gốm, niên đại Lê, hệ thống câu đối máng khảm trai. Ngoài ra, các tư liệu như thần tích, sắc phong thần thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá, minh chuông đều có giá trị tư liệu lịch sử quý giá, làm tăng thêm giá trị của ngôi đền.

Các triều đại sau đều có truy phong Bà làm thần: Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong: Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa; Đời vua Minh Mạng (Nhà Nguyễn) sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần; Đời vua Khải Định sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng linh phù Thượng đẳng thần.

Lễ hội Tiên La khai hội vào ngày 10 đến 18 tháng 3 âm lịch song từ nhiều ngày, thậm chí cả tháng trước khi lễ hội, dân làng đã cùng nhau chuẩn bị lễ vật, Lễ vật dâng cúng trong lễ hội được dân làng cũng chuẩn bị từ trước ngày diễn ra lễ hội, bao gồm: đầu lợn, bánh chưng chay, bánh dầy cỡ lớn, xôi, rượu nếp, hoa quả, tiền vàng…

Sáng ngày khai hội, lễ rước kiệu thánh được tổ chức uy nghiêm từ đền Rẫy và đền Buộm (tương truyền là nơi thờ hai dải yếm của Bát Nàn công chúa) về đền Tiên La. Khi kiệu thánh về đến đền Tiên La, các cuộc diễn trận, đua trải và rước nước được tổ chức.

Trong lễ hội với nhiều nghi thức tế lễ và các hoạt động văn hóa dân gian độc đáo như :đấu vật, chọi gà, dã bánh dầy, cờ người, pháo đất, tổ tôm điếm, múa rối nước, bơi chải…, trong đó có lễ rước nước trên sông là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc biệt, biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân sống với nền văn minh lúa nước sông Hồng. Nghi lễ rước nước với ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đoàn rước nước có 3 thuyền rồng, trống rong, cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng đi từ Đền Tiên La ra sông Luộc lấy nước vào chum. Là nghi thức diễn cảnh đón đoàn quân của Bát Nàn công chúa chiến thắng trở về, trong tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng trống vang lừng. Ngay từ lúc 5h sáng, tại các xóm thuộc xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến, đoàn rước kiệu và đông đảo bà con trong xóm đã chuẩn bị thay trang phục, sắp xếp lễ vật để cùng tập trung về đền Tiên La chuẩn bị cho lễ tế. Hai đội rước đi từ đền Rẫy và đền Buộm, đi về đền Tiên La để nhập cùng đoàn rước nước, rước kiệu.

Đi đầu đoàn rước bộ là đội múa rồng để dẹp đường, tiếp theo là đội rước cờ với cờ Tiết và cờ Mao dẫn đầu. Hai cờ này thể hiện mệnh lệnh của vua và uy đức của thần. Tiếp đến là cờ Ngũ hành có năm màu: xanh, đỏ, trắng, đen, vàng tượng trưng cho: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tiếp đến là cờ Tứ linh tượng trưng cho bốn vật linh: long, li, quy, phụng và cờ Bát quái (mỗi lá thêu một chữ: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Các tay cờ đều mặc áo nâu, nẹp đỏ, đi theo hiệu lệnh của người chỉ huy đám rước. Sau đội cờ là hai người cầm biển, một biển đề “Hồi ty”, một biển đề “Tĩnh túc” (người đi đường gặp đám rước thì phải quay lại, phải im lặng). Tiếp theo là dàn trống Ngũ lôi có ý nghĩa gọi mưa (sấm đại, sấm rền), đi bên là hiệu trống và hiệu chiêng. Sau đến quân kiệu cầm nghi trượng, bát bửu rồi đến chấp kích.

Ba kiệu nối tiếp nhau bao gồm: kiệu Phật, kiệu thân phụ, thân mẫu Bà rồi đến kiệu Bà (kiệu Mẫu). Đoàn rước kiệu Mẫu gồm những cô gái tuổi từ 15 đến 16 (tượng trưng cho các cô gái trong đội quân của Bà khi xưa, đều là các cô gái đồng trinh nên không vướng bận việc gia đình để toàn tâm đánh giặc), trang phục đẹp (nay thường là đội tế nữ quan). Kiệu Mẫu được sơn son, thếp vàng, trong kiệu có đặt bài vị, bát hương, hoa quả, trầu cau… Đi sau kiệu Mẫu là đoàn rước áo, hài, vàng, nến, trầu cau, quạt và đồ tư trang của Mẫu.

Sau kiệu Mẫu là kiệu Bát cống gồm từ 12 đến 16 các cô thanh nữ vận áo dài, chân đi hài (nay là tất trắng, giày trắng). Tiếp đó là đội Chấp kích, Bát bửu và dàn nhạc Bát âm. Sau là kiệu Long đình, trên Long đình có bày lễ gồm: đĩa xôi, thủ lợn, nậm rượu, hoa quả, trầu cau do 4 đô tùy khiêng. Xung quanh Long đình có tán, lọng, quạt. Đi sau đoàn kiệu là các bô lão vận quần áo tế, các tầng lớp nhân dân và khách về dự hội.

Đoàn rước thủy xuất phát từ đoạn sông Tiên Hưng trước cửa đền, đoàn gồm 3 chiếc thuyền được trang trí: đầu rồng, đuôi tôm, hai bên thành thuyền cắm cờ đuôi nheo. Thuyền đi đầu có thủ nhang đền Tiên La, một nhà sư, thường là sư trụ trì chùa Tiên Hương cùng đại diện người dân trong làng và dàn bát âm. Thuyền tiếp theo gồm đội tế nữ quan. Thuyền thứ ba là các cụ già trong làng.

Hai đoàn rước thủy, bộ gặp nhau bên sông khu vực ngã ba sông Luộc và sông Tiên Hưng. Thuyền đi đầu của đoàn rước thủy đi tiếp ra đúng giữa ngã ba sông, quay ba vòng ngược chiều kim đồng hồ (thể hiện tín ngưỡng thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp). Đây là nơi tụ sinh, gặp gỡ, giao hòa giữa hai con sông tạo nên sinh khí. Sau đó, thuyền dừng lại, trên thuyền đã bày sẵn hương án để nhà sư tụng kinh, niệm Phật. Đồ lễ bao gồm xôi và đầu, đuôi lợn sẽ được thả xuống ngã ba sông để cúng cho Hà Bá, khiến cho Hà Bá hài lòng mà không làm lũ lụt hay “bắt bớ” những người phải đi lại trên sông nước. Chóe nước được dâng đặt giữa ban thờ Phật, phủ vải đỏ và cúng chay bằng hoa quả hương đăng. Sau đó, chóe được rước về đền Tiên La và được đặt vào Cung cấm (để thủ nhang và những người có trách nhiệm thực hiện nghi lễ Khiết trì – tắm cho tượng Bà vào dịp lễ hội ngày 15 tháng 8 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Bà ). Sau lễ rước nước đến các phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đó đến các đội tế của các làng trong xã, trong và ngoài huyện, các chiếu hát chầu văn, hầu đồng, các trò chơi dân gian…Một điểm đặc biệt của lễ hội Tiên La là tại đây có đội tế nữ quan giữ vai trò chủ đạo. Trước lễ hội nhiều tháng, các đội tế nữ quan, nam quan bắt đầu tập luyện theo một tiến trình giống lễ tế thành hoàng làng với các nghi thức như kiểm soát lễ vật, bưng và tiến lễ vật, tiến hương hoa nến, tiến rượu, tiến chúc văn…

Tất cả các năm, cứ vào dịp lễ hội, các màn diễn trận và đua trải được người dân tập luyện công phu trước cả tháng để có thể tái hiện lại lịch sử thiêng liêng và hào hùng. Ai cũng mong muốn được tham gia vào các màn diễn trận và đua trải, để sống lại không khí sôi động, hào hùng của lịch sử và được bà phù hộ. Đua trải là cuộc đua của tám trải, mỗi trải có 8 người, đại diện cho 8 giáp, do các trai làng thực hiện trên sông Tiên Hưng, đoạn trước cửa đền Tiên La đến Cầu Buộm, mô phỏng cảnh quân giặc bị quân của Bà truy đuổi. Đua trải ở hội Tiên La khác với các nơi khác bởi xen với đua trải là diễn trận. Những người được chọn vào đội đua trải phải là những nam thanh niên khỏe mạnh, biết bơi và được tập luyện trước. Đua trải còn cuộc đua tranh của tám trải, đại diện cho tam giáp. Hai bên bờ, 10 cô gái chưa chồng, mặc áo nâu nẹp đỏ, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm cung nỏ, gươm giáo, đóng làm quân của Bát Nàn. Người đóng vai Bát Nàn công chúa cũng phải là cô gái chưa chồng, tay cầm cờ, mang gươm, mặc áo dài buộc túm phía bụng chỉ huy quân sĩ giao chiến với các trai làng mặc đồ đen đóng giả làm giặc. Hai bên dàn quân thành thế trận, khi hiệu lệnh nổi lên thì tiếng chuông, trống, tù và nổi lên hòa chung với tiếng reo hò vang dậy với khí thế đuổi giặc và chiến thắng bao giờ cũng thuộc về bên nữ. Dưới sông, quân giặc mải miết bơi trải, như cố gắng chạy thoát sự truy đuổi của tướng và quân Bà trên bờ. Đây là mô phỏng trận truy kích giặc cả trên bờ lẫn dưới sông để bảo vệ căn cứ của Bát Nạn tướng quân nơi đây. Khi bắt được giặc, nữ tướng mang về tế trước cửa đền, làm lễ báo công.

Lễ hội Tiên La không thể thiếu các giá đồng của con nhang đệ tử khắp nơi về chầu. Đầu tiên là giá đồng hầu Bà, sau đó đến giá Tứ phủ chầu bà, giá Ngũ vị tôn ông… Vì nơi đây thờ chầu Bà, có Tứ phủ chầu bà đi hỗ trợ nên các giá hầu này được diễ xướng trước các giá Ngũ vị tôn ông. Hiện tượng hầu nhiều giá đồng tại đây bên cạnh giá chầu đệ nhị thể hiện sự sáp nhập chầu Bát Nàn về với Tứ phủ.

Ngoài lễ hội chính trong năm đền Tiên La còn có những ngày lễ lớn:

Lễ  Khiết trì ngày 15 tháng 8:

Được tổ chức ở quy mô nhỏ và không có rước. Theo dân làng Tiên La thì đây là ngày sinh của Mẫu, ngày lễ hội này chỉ có dân làng Tiên La thực hiện. Việc đầu tiên là tổ chức tắm cho tượng Mẫu hay còn gọi là Khiết trì. Việc tổ chức tắm cho tượng được tổ chức vào sáng sớm, giờ Dần tức giờ Mẫu sinh. Trong dịp này, dân làng Tiên La còn cử người lên Phượng Lâu, quê gốc của Thánh Mẫu để thắp hương tưởng niệm Mẫu và giao lưu cùng nhân dân quê hương bà.

Lễ ngày 10 tháng 11:

Đây là nghi lễ tưởng nhớ ngày Bát Nạn tướng quân dấy binh khởi nghĩa. Trong ngày này, nhân dân treo trước cổng đền một lá cờ màu xanh, cùng với chiêng, trống nổi lên báo hiệu cho dân làng biết, nhớ về ngày bà Bát Nạn khởi nghĩa, sau đó thực hiện việc tế lễ cũng như ngày lễ Khiết trì.

Cùng với những giá trị lịch sử và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1986. Đặc biệt ngày 15/4/2016 Lễ hội Tiên La được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để nhớ về lễ hội Tiên La, người dân trong vùng thường truyền nhau câu ca:

“Đã là con mẹ, con cha

Nhớ ngày giỗ Mẫu tháng ba thì về”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *