Lý lịch di sản văn hoá Tiên La

LÝ LỊCH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐỀ NGHỊ
ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

 

  1. Tên gọi của di sản văn hóa phi vật thể:

Lễ hội Tiên La

– Tên khác: Hội Tiên La

  1. Loại hình

– Lễ hội truyền thống

  1. 3. Địa điểm phân bố di sản

– Lễ hội Tiên La diễn ra tại di tích đền Tiên La, chùa Tiên Hương, xã Đoan Hùng; đền Rãy, đền Buộm, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

  1. 4. Chủ thể văn hóa: Cộng đồng cư dân xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Những người đại diện gồm:

  1. Họ và tên: Đặng Vũ Trần Nhã, sinh 1950, thủ nhang đền Tiên La

– Địa chỉ liên lạc: thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Hoàng Lê Thêm, sinh năm 1948, thủ nhang đền Buộm

– Địa chỉ liên lạc: xã Tân Tiến

  1. Họ và tên: Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1955, thủ nhang đền Rãy

– Địa chỉ liên lạc: xã Tân Tiến

  1. Họ và tên: Đoàn Văn Cân

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Hoàng Nhâm

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Nguyễn Thế Bắc

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Đoàn Thị Hoàn

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Bùi Thị Thu

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Quản Văn Mạnh

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Tiên La, xã Đoan Hùng

  1. Họ và tên: Trịnh Ngọc Lương (Trưởng thôn)

– Địa chỉ liên lạc: Thôn An Nhân, xã Tân Tiến

  1. Họ và tên: Nguyễn Minh Vương

– Địa chỉ liên lạc: Thôn An Nhân, xã Tân Tiến

  1. Họ và tên: Trần Văn Thỉnh

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến

  1. Họ và tên: Cao Thị Châm

– Địa chỉ liên lạc: Thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến

  1. 5. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

Quá trình ra đời và tồn tại của lễ hội

Theo thần tích thì nhân vật được phụng thờ ở lễ hội Tiên La là Vũ Thị Thục, sống vào thời Hán ở trại Phượng Lâu (thuộc Phù Ninh, Phú Thọ), bị Tô Định ép làm vợ song bà cự tuyệt. Tô Định nổi giận tàn sát bố mẹ, gia đình bà và phá bỏ trại Phượng Lâu. Thục Nương được người làng che chở, xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng đến Tiên La. Tại đây, bà mộ quân, luyện tập binh mã để đền nợ nước, trả thù nhà, tự xưng là Bát Nàn Đại tướng quân (có sách chép là Bát Nạn hay Bát Não). Gặp lúc Hai Bà Trưng  truyền hịch khắp nơi hô hào dân đứng lên đánh đuổi giặc Hán, Thục Nương cưỡi một con ngựa đen dẫn đầu đội quân gần một nghìn người, trong đó có 23 người là con gái làng Tiên La đến yết kiến Hai Bà Trưng, được phong làm Đốc lĩnh tiền quân. Đội quân hơn 3 vạn người của Hai Bà Trưng với sự giúp sức của Thục Nương đánh thẳng đến sào huyệt của Thái thú Tô Định khiến quân Tô Định đại bại.

Tương truyền, sau khi Hai Bà Trưng xưng vương, phong cho Thục Nương là Bát Nàn Đại tướng quân, Trinh Thục công chúa, Đông Nhung đại tướng quân, Uy viễn đại tướng quân. Bà từ chối tước lộc, chỉ xin đem đầu giặc về quê quán tế cha, tế chồng rồi lại xuôi thuyền về Tiên La. Bà cùng với người dân ở đây mở mang thêm chợ, trồng dâu nuôi tằm, tu sửa đền miếu.

Để phục thù, nhà Hán sai Phục Ba Mã Viện, một viên tướng già lão luyện trong chiến trận đem 20 vạn quân sang. Bà đem đội nghĩa binh của mình đến chi viện cùng nghĩa quân của Hai Bà Trưng anh dũng chiến đấu, nhưng vì lực lượng yếu hơn, Hai Bà Trưng đã anh dũng tuẫn tiết hy sinh trên dòng sông Hát trong ngày 6 tháng 2. Cánh quân của Đông Nhung đại tướng quân cũng không thể địch lại do lực lượng quân địch đông và hung bạo, bọn giặc lại gian ngoan, nên Bà cùng một số nghĩa binh mở đường máu thoát vây chạy về trú ngụ tại chùa Tiên La tính kế lâu dài. Song quân Mã Viện đã tìm tới tận nơi, sau khi chiến đấu anh dũng, Bà rút gươm tự vẫn tại gò Kim Quy, không chịu để quân giặc làm nhục. Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi bà tuẫn tiết, bọn giặc đã lập trại trông xác bà định để hôm sau treo xác bà thị uy, nhưng chỉ sau một đêm, mối đã xông phủ kín xác bà. Khi quân giặc thấy đống đất mối xông như hình người, biết bà linh hiển, chúng không dám đụng tới nữa. Từ đó, người dân Tiên La lập ngôi đền nhỏ thờ Bà và hương khói và mở hội để ghi nhớ công đức của Bà: mở cổng đền vào ngày mồng 10 và hội diễn ra đến ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Các triều đại sau đều có truy phong Bà làm thần: Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong: Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa; Đời vua Minh Mạng (Nhà Nguyễn) sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần; Đời vua Khải Định sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng linh phù Thượng đẳng thần.

Cùng với hội Tiên La được mở từ mùng 10 đến 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, hội của các làng trong vùng cũng được mở và hệ thống đền, miếu nhiều làng thuộc các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư thờ tướng lĩnh của Bát Nàn tướng quân cũng cùng mở hội, làm cho không khí “tháng Ba giỗ Mẹ” càng sôi động hơn với tâm thức nhớ về thời kỳ chống Hán buổi đầu công nguyên mà hội  Tiên La là trung tâm.

Quy trình thực hành lễ hội

Lễ hội Tiên La khai hội vào ngày 10 tháng 3 song từ nhiều ngày, thậm chí cả tháng trước khi lễ hội, dân làng đã cùng nhau chuẩn bị lễ vật và các đội bơi trải tập trung luyện tập.

  • Chuẩn bị lễ vật

Lễ vật dâng cúng trong lễ hội được dân làng cũng chuẩn bị từ trước ngày diễn ra lễ hội, bao gồm: đầu lợn, bánh chưng chay, bánh dầy cỡ lớn, xôi, rượu nếp, hoa quả, tiền vàng…

Lợn được chọn để lấy thủ làm lễ vật được giao cho một gia đình trong làng với điều kiện nhà không có bụi và gia súc không bị ốm, chết trong năm đó để nuôi và chăm sóc nhiều tháng trước khi diễn ra lễ hội. Trước ngày khai hội, gia đình tự giết hoặc mượn người trong làng giết, song phải là người giỏi mổ lợn để lấy được “thủ lợn” nguyên vẹn, không bị xây xát. Việc luộc thủ lợn cũng được người có kinh nghiệm thực hiện, sao cho khi dâng lễ, thủ lợn vừa chín, không nát, đều màu. Riêng với lễ vật để tế Hà Bá trong lễ rước nước, thủ lợn bao giờ cũng ngậm đuôi lợn chứng tỏ sự nguyên vẹn của lợn tế.

Từ nhiều hôm trước lễ hội, những nhà được giao nấu xôi và làm bánh dày, bánh chưng dâng Thánh đã phải chọn gạo nếp ngon, thơm để ngâm, sau đó vo, đãi sạch rồi để ráo nước, mang đồ trên bếp củi chứ không dùng bếp than. Với việc làm bánh dày, khi gạo vừa đồ đến mức chín vừa, ngay lập tức đổ vào cối để các thanh niên trong làng giã và đảo đều tay khi giã. Giã bánh dày dâng Thánh phải vừa tới, không được để cứng mà cũng không quá nhão, đảm bảo dẻo, quánh, trắng đều và láng mịn. Xôi phải đều hạt, chín mọng, căng và không vỡ, nát, dậy mùi nếp. Bánh chưng phải gói vừa bốn cạnh bằng đường kính của bánh dày, lá xanh, lạt đỏ, vuông thành sắc cạnh.

Mâm lễ hoa quả cũng được chuẩn bị từ chiều hôm trước, hoa quả được dâng cúng bao giờ cũng gồm cả những sản vật được cho là của Phù Ninh (Phú Thọ, quê bà) và của Tiên La, Thái Bình, gồm nhiều loại quả với nhiều màu sắc, đặc biệt phải có một mâm trầu cau têm cánh phượng. Lễ vật sau khi được chuẩn bị sẽ được tập kết và bàn giao cho đội tế rước vào đền sáng ngày chính lễ.

Sáng ngày khai hội, lễ rước kiệu thánh được tổ chức uy nghiêm từ đền Rẫy và đền Buộm (tương truyền là nơi thờ hai dải yếm của Bát Nàn công chúa) về đền Tiên La. Khi kiệu thánh về đến đền Tiên La, các cuộc diễn trận, đua trải và rước nước được tổ chức.

+ Chuẩn bị của Đội tế nữ quan và nam quan

Một điểm đặc biệt của lễ hội Tiên La là tại đây có đội tế nữ quan giữ vai trò chủ đạo. Trước lễ hội nhiều tháng, các đội tế nữ quan, nam quan bắt đầu tập luyện theo một tiến trình giống lễ tế thành hoàng làng với các nghi thức như kiểm soát lễ vật, bưng và tiến lễ vật, tiến hương hoa nến, tiến rượu, tiến chúc văn… Mặc dù có những đội viên đã nhiều năm tham gia lễ tế xong ai nấy đều ý thức được vai trò của mình trong chuẩn bị và tổ chức lễ hội, nên đều tập luyện rất nghiêm túc và hướng dẫn những thành viên mới của đội.

Văn tế được một số người cao tuổi trong làng cùng chính quyền địa phương và ban quản lý di tích cùng soạn thảo. Người giữ vai trò đọc văn tế phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tránh mắc lỗi khi tế chính thức trước ban thờ Thánh.

+ Chuẩn bị của đội diễn trận và đua trải:

Tất cả các năm, cứ vào dịp lễ hội, các màn diễn trận và đua trải được người dân tập luyện công phu trước cả tháng để có thể tái hiện lại lịch sử thiêng liêng và hào hùng. Ai cũng mong muốn được tham gia vào các màn diễn trận và đua trải, để sống lại không khí sôi động, hào hùng của lịch sử và được bà phù hộ. Các trai tráng của các xã trong huyện đều rèn luyện để có sức khỏe và sự dẻo dai để trải của mình được chiến thắng, mang lại may mắn do phúc lộc của Đông Nhung đại tướng. Các cô gái và các chàng trai tham gia diễn trận cũng cùng luyện tập và người đi trước bảo người đi sau cách thức diễn trò với các vai đội quân của Bát Nàn công chúa và quân giặc. Cảnh diễn trận năm nào cũng được người diễn tập rất công phu, nghiêm túc với sự chứng kiến của những người cao tuổi trong vùng.

+ Chuẩn bị của các gia đình: Với mong muốn lễ hội tổ chức thành công, tốt đẹp, nguyện vọng của nhân dân được thánh thần thấu hiểu, che chở và giúp đỡ, các gia đình trong làng chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho việc tham dự lễ hội. Họ hồ hởi lựa chọn từ y phục, trang sức, cho tới các đồ lễ dâng cúng và tham gia các hoạt động rước lễ và vui chơi trong ngày hội.

Trước ngày lễ hội, toàn thể các thành viên trong gia đình cũng như trong cộng đồng làng đều thu xếp công việc để dự lễ. Nhiều người làm ăn, học hành xa quê thì đến ngày hội cũng thu xếp để về quê tham gia như một sự kiện quan trọng của gia đình, làng xã không thể vắng mặt. Các gia đình đều nhắc nhở con cháu tắm lá thơm sạch sẽ trước ngày hội vì họ quan niệm, khi tham dự lễ phải trong sạch để bày tỏ sự tôn trọng thánh thần và việc cầu khấn thần linh sẽ nhiệm màu hơn.

+ Chuẩn bị về địa điểm tổ chức lễ hội: Lễ hội được tổ chức tại đền Tiên La, với 2 đám rước đi từ đền Rẫy và đền Buộm và thờ chóe nước lấy ở ngã ba sông Luộc và sông Tiên Hưng cho lễ Khiết trì tại chùa Tiên Hương nên trước ngày lễ, những người trông coi nơi đây tiến hành lau kiệu, dọn dẹp trong các di tích, làm vệ sinh sạch sẽ, cắt tỉa cây cối…. Dân làng cũng cùng nhau chuẩn bị vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi đoàn rước sẽ đi qua. Khúc sông trước cửa đền Tiên La nơi tổ chức đua trải cũng được vệ sinh sạch sẽ cả bề mặt nước và hai bên bở.

– Tiến trình lễ hội Tiên La

Lễ hội được diễn ra với những nghi thức rước nước, tế lễ và đoàn rước kiệu diễn cảnh đón đoàn quân của Bát Nàn công chúa chiến thắng trở về, trong tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng trống vang lừng. Ngay từ lúc 5h sáng, tại các xóm thuộc xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến, đoàn rước kiệu và đông đảo bà con trong xóm đã chuẩn bị thay trang phục, sắp xếp lễ vật để cùng tập trung về đền Tiên La chuẩn bị cho lễ tế. Hai đội rước đi từ đền Rẫy và đền Buộm, đi về đền Tiên La để nhập cùng đoàn rước nước, rước kiệu.

Đúng sáng sớm ngày 10 tháng 3, các chức sắc trong xã, trong làng và nhân dân tập trung trước sân đền để làm lễ cáo yết, khai hội. Về lý do có lễ rước nước, các cụ già ở làng Tiên La kể: Trong đêm Bát Nạn bị quân của Tô Định truy đuổi, người già ở làng đã được Thành hoàng làng báo mộng “Ngày mai có công chúa đến xin làm tăng”. Sáng hôm sau, các cụ rủ nhau ra chùa có tên là Tiên Hương cổ tự xem thực hư thế nào thì quả thực các cụ nhìn thấy một người con gái quần áo bê bết máu đang nằm sau điện Tam Bảo, tay vẫn lăm lăm thanh bảo kiếm. Hỏi ra mới biết sự tình bèn cử người ra tận ngã ba sông Luộc lấy nước về làm lễ “khiết tẩy” (tức lễ tắm rửa sạch sẽ trước khi quy y). Từ ngày ấy, mỗi khi mở hội để tưởng nhớ về bà, dân làng Tiên La bao giờ cũng tổ chức lễ rước nước và làm lễ “Khiết trì”.

Thực hiện nghi lễ rước nước gồm hai đoàn: đoàn rước thủy và đoàn rước bộ. Từ cửa đền, hai đoàn đi theo hai ngả khác nhau và điểm gặp nhau là ngã ba sông Luộc và sông Tiên Hưng.

Đi đầu đoàn rước bộ là đội múa rồng để dẹp đường, tiếp theo là đội rước cờ với cờ Tiết và cờ Mao dẫn đầu. Hai cờ này thể hiện mệnh lệnh của vua và uy đức của thần. Tiếp đến là cờ Ngũ hành có năm màu: xanh, đỏ, trắng, đen, vàng tượng trưng cho: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tiếp đến là cờ Tứ linh tượng trưng cho bốn vật linh: long, li, quy, phụng và cờ Bát quái (mỗi lá thêu một chữ: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Các tay cờ đều mặc áo nâu, nẹp đỏ, đi theo hiệu lệnh của người chỉ huy đám rước. Sau đội cờ là hai người cầm biển, một biển đề “Hồi ty”, một biển đề “Tĩnh túc” (người đi đường gặp đám rước thì phải quay lại, phải im lặng). Tiếp theo là dàn trống Ngũ lôi có ý nghĩa gọi mưa (sấm đại, sấm rền), đi bên là hiệu trống và hiệu chiêng. Sau đến quân kiệu cầm nghi trượng, bát bửu rồi đến chấp kích.

Ba kiệu nối tiếp nhau bao gồm: kiệu Phật, kiệu thân phụ, thân mẫu Bà rồi đến kiệu Bà (kiệu Mẫu). Đoàn rước kiệu Mẫu gồm những cô gái tuổi từ 15 đến 16 (tượng trưng cho các cô gái trong đội quân của Bà khi xưa, đều là các cô gái đồng trinh nên không vướng bận việc gia đình để toàn tâm đánh giặc), trang phục đẹp (nay thường là đội tế nữ quan). Kiệu Mẫu được sơn son, thếp vàng, trong kiệu có đặt bài vị, bát hương, hoa quả, trầu cau… Đi sau kiệu Mẫu là đoàn rước áo, hài, vàng, nến, trầu cau, quạt và đồ tư trang của Mẫu.

Sau kiệu Mẫu là kiệu Bát cống gồm từ 12 đến 16 các cô thanh nữ vận áo dài, chân đi hài (nay là tất trắng, giày trắng). Tiếp đó là đội Chấp kích, Bát bửu và dàn nhạc Bát âm. Sau là kiệu Long đình, trên Long đình có bày lễ gồm: đĩa xôi, thủ lợn, nậm rượu, hoa quả, trầu cau do 4 đô tùy khiêng. Xung quanh Long đình có tán, lọng, quạt. Đi sau đoàn kiệu là các bô lão vận quần áo tế, các tầng lớp nhân dân và khách về dự hội.

Đoàn rước thủy xuất phát từ đoạn sông Tiên Hưng trước cửa đền, đoàn gồm 3 chiếc thuyền được trang trí: đầu rồng, đuôi tôm, hai bên thành thuyền cắm cờ đuôi nheo. Thuyền đi đầu có thủ nhang đền Tiên La, một nhà sư, thường là sư trụ trì chùa Tiên Hương cùng đại diện người dân trong làng và dàn bát âm. Thuyền tiếp theo gồm đội tế nữ quan. Thuyền thứ ba là các cụ già trong làng.

Hai đoàn rước thủy, bộ gặp nhau bên sông khu vực ngã ba sông Luộc và sông Tiên Hưng. Thuyền đi đầu của đoàn rước thủy đi tiếp ra đúng giữa ngã ba sông, quay ba vòng ngược chiều kim đồng hồ (thể hiện tín ngưỡng thờ mặt trời của cư dân nông nghiệp). Đây là nơi tụ sinh, gặp gỡ, giao hòa giữa hai con sông tạo nên sinh khí. Sau đó, thuyền dừng lại, trên thuyền đã bày sẵn hương án để nhà sư tụng kinh, niệm Phật. Đồ lễ bao gồm xôi và đầu, đuôi lợn sẽ được thả xuống ngã ba sông để cúng cho Hà Bá, khiến cho Hà Bá hài lòng mà không làm lũ lụt hay “bắt bớ” những người phải đi lại trên sông nước.

Niệm Phật xong, ông thủ nhang thả một vòng tròn quấn vải đỏ xuống giữa dòng và dùng một chiếc gáo bằng đồng, cán tre có đốt được cuốn bằng vải đỏ (để chuyển linh khí vào gáo làm cho nước trở nên linh thiêng), múc nước từ trong vòng và đổ vào một chóe sứ có giăng miếng vải đỏ trên miệng để nước chảy qua được linh thiêng, thêm sức mạnh ( nay không còn gáo đồng nên người dân dùng gáo dừa son đỏ). Từ gáo nước thứ hai múc vào chóe sẽ do nhà sư tiếp tục đảm nhiệm. Mọi người thực hiện nghi lễ lấy nước với lòng thành kính trong không khí hết sức linh thiêng. Khi chóe nước đã được múc đầy thì thuyền trở về nhập cùng đoàn rước thủy, quay vào bờ và giao nước cho đoàn rước bộ. Chóe nước được đặt lên kiệu Mẫu để rước về. Trên đường trở về đền, đoàn rước bao giờ cũng ghé qua “Tiên Hương cổ tự” để bà thăm lại chốn xưa, nơi bà nương nhờ cửa Phật khi mới về tới Tiên La. Chóe nước được dâng đặt giữa ban thờ Phật, phủ vải đỏ và cúng chay bằng hoa quả hương đăng. Sau đó, chóe được rước về đền Tiên La.

Về tới đền, chóe nước được đặt vào Cung cấm (để thủ nhang và những người có trách nhiệm thực hiện nghi lễ Khiết trì – tắm cho tượng Bà vào dịp lễ hội ngày 15 tháng 8 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Bà ). Sau lễ rước nước đến các phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đó đến các đội tế của các làng trong xã, trong và ngoài huyện, các chiếu hát chầu văn, hầu đồng, các trò chơi dân gian… Phía cửa đền Tiên La thì diễn ra diễn trận và đua trải.

Nghi thức tế lễ diễn ra tại hội Tiên La. Đoàn tế thường có khoảng 30 người gồm: Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Bồi tế, người dâng lễ…Tùy từng năm, chủ tế mặc áo gấm đỏ hay áo vàng. Hai phó chủ tế ở hai bên. Khi chủ tế mặc áo đỏ thì phó tế mặc áo xanh, chủ tế mặc áo vàng thì phó tế mặc áo đỏ. Những người trong đội tế mặc quần trắng, áo thụng xanh bằng chia làm hai hàng, mỗi hàng 15-25 người.

Sau khi người dâng lễ dâng 3 tuần rượu và quỳ lễ 3 lần, hô tế vật, tế tửu thì mới đọc văn tế. Văn tế được đặt long trọng trên giá gỗ, sơn son, thếp vàng. Nội dung văn tế ca ngợi công lao của Bàn Nàn tướng quân đối với vùng đất này và với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: “nhỚ đỨc Thánh MẪu xưa sinh thỜi oanh liỆt cùng Trưng Vương tiêu diỆt ngoẠi xâm cỨu muôn dân lành giành lẠi cõi bỜ, nay hẬu hòa Tiên La phỤng sỰ gương liỆt nỮ soi chung kim cỔ khách thẬp phương ngưỠng mỘ truy ân.  ngày hôm nay, các đỆ tỬ xa gẦn vỀ kính bái hai ngàn năm lỊch sỬ còn ghi chép lẠi. Văn tẾ đỨc Thánh MẪu Tiên La Phù nưỚc nhà khang thái dài lâu BẢo quỐc hỘ dân ngày mỘt mẠnh giàu mãi mãi ghi tẠc công ơn ngài nỮ đẠi tưỚng”.

Văn tế Bà kết thúc thì tiến hành hóa Văn, sau đó, tất cả đoàn tế vào làm lễ dâng hương. Chủ tế khấn mời Bàn Nàn tướng quân cùng các vị tướng lĩnh và quân sỹ về hưởng lễ. Chủ lễ cũng thay mặt Ban tổ chức lễ hội báo cáo trình tự nội dung lễ hội và cầu xin các ngài phù hộ lễ hội được tổ chức thành công, cầu Bà phù hộ, độ trì cho dân làng một năm may mắn, làm ăn phát đạt, kể cả với người dân trong làng và với dân làng lập nghiệp ở phương xa.

Sau lễ tế Bà là các đoàn tế nữ quan, nam quan của dân làng và các đoàn từ địa phương khác đến. Theo tư tưởng dân gian, Bà là hóa thân của Thánh Mẫu đệ nhị, được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu đệ nhị thượng ngàn tái thế. Vì vậy lễ hội Tiên La có đội tế nữ quan. Đội tế nữ quan hành lễ bên trong, đội tế nam quan hành lễ bên ngoài.

Lễ hội Tiên La không thể thiếu các giá đồng của con nhang đệ tử khắp nơi về chầu. Đầu tiên là giá đồng hầu Bà, sau đó đến giá Tứ phủ chầu bà, giá Ngũ vị tôn ông… Vì nơi đây thờ chầu Bà, có Tứ phủ chầu bà đi hỗ trợ nên các giá hầu này được diễ xướng trước các giá Ngũ vị tôn ông. Hiện tượng hầu nhiều giá đồng tại đây bên cạnh giá chầu đệ nhị thể hiện sự sáp nhập chầu Bát Nàn về với Tứ phủ.

Đua trải là cuộc đua của tám trải, mỗi trải có 8 người, đại diện cho 8 giáp, do các trai làng thực hiện trên sông Tiên Hưng, đoạn trước cửa đền Tiên La đến Cầu Buộm, mô phỏng cảnh quân giặc bị quân của Bà truy đuổi. Đua trải ở hội Tiên La khác với các nơi khác bởi xen với đua trải là diễn trận. Những người được chọn vào đội đua trải phải là những nam thanh niên khỏe mạnh, biết bơi và được tập luyện trước. Đua trải còn cuộc đua tranh của tám trải, đại diện cho tam giáp. Hai bên bờ, 10 cô gái chưa chồng, mặc áo nâu nẹp đỏ, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm cung nỏ, gươm giáo, đóng làm quân của Bát Nàn. Người đóng vai Bát Nàn công chúa cũng phải là cô gái chưa chồng, tay cầm cờ, mang gươm, mặc áo dài buộc túm phía bụng chỉ huy quân sĩ giao chiến với các trai làng mặc đồ đen đóng giả làm giặc. Hai bên dàn quân thành thế trận, khi hiệu lệnh nổi lên thì tiếng chuông, trống, tù và nổi lên hòa chung với tiếng reo hò vang dậy với khí thế đuổi giặc và chiến thắng bao giờ cũng thuộc về bên nữ. Dưới sông, quân giặc mải miết bơi trải, như cố gắng chạy thoát sự truy đuổi của tướng và quân Bà trên bờ. Đây là mô phỏng trận truy kích giặc cả trên bờ lẫn dưới sông để bảo vệ căn cứ của Bát Nạn tướng quân nơi đây. Khi bắt được giặc, nữ tướng mang về tế trước cửa đền, làm lễ báo công.

Lễ  Khiết trì ngày 15 tháng 8:

Được tổ chức ở quy mô nhỏ và không có rước. Theo dân làng Tiên La thì đây là ngày sinh của Mẫu, ngày lễ hội này chỉ có dân làng Tiên La thực hiện. Việc đầu tiên là tổ chức tắm cho tượng Mẫu hay còn gọi là Khiết trì (ở nhiều nơi lễ tắm cho tượng được tổ chức vào dịp chính hội, tổ chức đầu tiên, gọi là lễ Mộc dục). Việc tổ chức tắm cho tượng được tổ chức vào sáng sớm, giờ Dần tức giờ Mẫu sinh. Làng đã chọn cử trước 7 người đàn ông khỏe mạnh, có đức độ và uy tín, phải chay tịnh từ ngày hôm trước. Mọi người dùng miếng vải đỏ, thấm nước trong chóe được đặt trong đền từ hôm rước nước, lau chùi nhẹ nhàng cho tượng, sau đó lau bằng nước ngũ vị (tức nước thơm). Sau lễ Mộc dục là lễ Gia quan, lễ khoác áo, mũ mới cho tượng. Dân làng đã chuẩn bị trước 10 vuông vải vàng, khi đã hoàn tất công việc tắm cho tượng, các vị chức sắc có trách nhiệm trong làng làm lễ trước Thánh rồi dâng áo, mũ mới cho Mẫu. Nước sau khi đã tắm cho tượng, mọi người truyền tay nhau xoa lên mặt để lấy Phước, lấy Lộc. Áo, mũ cũ của tượng được xé nhỏ thành nhiều mảnh chia cho mọi người đem về buộc vào cổ tay trẻ con hoặc đặt dưới gối để Thánh bảo vệ cho trẻ con không bị ma quỷ bắt nạt… Sau khi đã tắm, thay áo, mũ mới cho Mẫu, thủ nhang đọc văn tế như ngày lễ hội chính tháng 3 và dân làng đến dâng lễ trong một ngày. Trong dịp này, dân làng Tiên La còn cử người lên Phượng Lâu, quê gốc của Thánh Mẫu để thắp hương tưởng niệm Mẫu và giao lưu cùng nhân dân quê hương bà.

Lễ ngày 10 tháng 11:

Đây là nghi lễ tưởng nhớ ngày Bát Nạn tướng quân dấy binh khởi nghĩa. Trong ngày này, nhân dân treo trước cổng đền một lá cờ màu xanh, cùng với chiêng, trống nổi lên báo hiệu cho dân làng biết, nhớ về ngày bà Bát Nạn khởi nghĩa, sau đó thực hiện việc tế lễ cũng như ngày lễ Khiết trì.

Trong lễ hội Tiên La, các chiếu đồng bóng khắp nơi hội tụ về, ca hát, đàn sáo diễn ra suốt các ngày hội, trước chủ yếu vào buổi tối, nay vì các gánh đồng về đông hơn nên diễn ra suốt từ sáng đến tối. Mỗi chiếu đồng thường có hàng chục người, tùy theo từng chiếu đóng giá cô, giá cậu, giá ông Hoàng, giá Mẫu mà thay đổi người khác nhau, cộng thêm một tốp múa phụ họa từ 4 đến 6 người. Trong các giá đồng không thể thiếu được các nhạc công đệm đàn, đệm mõ, dậm phách, thanh la… Hiện nay, nhạc công và cung văn mặc áo the, khăn xếp… còn các thầy đồng phải có khăn là, áo lượt, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, chân đi hài… Sau khi các chiếu đồng đã hầu đủ 36 giá đồng thì bao giờ cũng chuyển sang hát chầu văn kể lại thánh tích Bát Nàn tướng quân và ca ngợi Mẫu Tiên La.

Lễ hội Tiên La còn diễn ra các trò chơi dân gian như đấu vật (trước đây), chọi gà và nhiều hoạt động văn nghệ dân gian. Trước cửa đền có sông Tiên Hưng chảy qua nên dễ dàng làm sân khấu múa rối nước. Các đoàn rối nước thường được mời về đây diễn lại tích Bát Nàn công chúa như đoàn rối nước làng Nguyễn, làng Đông (huyện Đông Hưng). Các buổi diễn chèo cũng được dân làng tự tổ chức trình diễn .

Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội Tiên La

Lễ hội được diễn ra tại di tích đền Tiên La (được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1986) và đền Rẫy, đền Buộm, thuộc hai xã Đoan Hùng và Tân Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Đền Tiên La tọa lạc giữa thôn Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trên diện tích khoảng 6000 m2. Mặt trước đền hướng ra con sông Tiên Hưng gần ngã ba đổ ra sông Luộc.

Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn và đẹp, bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền, giếng ngọc…. Toàn bộ ngôi đền làm theo cấu trúc “Tiền nhất – Hậu đinh” đúng cấu trúc, theo đúng dáng vóc kiểu cổ từ cột, kèo đến đao mái uốn cong và mang dáng hình con rồng bay lên hoặc Lưỡng Long Chầu Nguyệt, có ba tòa điện chính là: Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và Hậu điện hay còn gọi là Hậu Cung. Qua cổng (Tam quan ngoại), vào sân đền là Tam quan nội và hai bên có Lầu Cô, Lầu Cậu. Trong tòa Tiền Tế gồm năm gian có những bức đại tự với các câu đối cổ ca ngợi triều Trưng Vương và phẩm hạnh, tài sắc của nữ tướng Bát Nàn. Tòa điện Bái đường và thượng điện của đền được kiến trúc bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ long, lân, quy, phượng xen lẫn với thông, cúc, trúc, mai rất tinh xảo. Tòa điện Trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “Chồng diêm cổ các”. Điều đặc biệt là toàn bộ vật liệu xây dựng ở tòa bái đường đều được làm bằng đá như hệ thống cột đá, xà đá, kèo đá…tòa điện được xây bằng mười sáu cột đá lớn, tám xà đá và tám kèo đá. Hệ thống cột, kèo, xà đá đều được chạm khắc rất công phu và kỹ xảo. Bốn cột cái chạm tứ linh, mười hai cột quân chạm long vân, tám xà chạm thông, cúc, trúc, mai xen lẫn long, li, quy, phượng. Tòa cuối của đền là Hậu cung gồm ba gian nằm sâu bên trong, tương truyền đây là nơi có mộ của Bà. Trên nóc hiện còn bức đại tự rất quý đề bốn chữ: “Anh Linh Vạn Cổ” bằng chữ Hán. Gian giữa Hậu cung đặt một ban thờ, trên có ngai và tượng Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, xung quanh thờ các tướng sỹ và quân lính của bà. Gian bên trái thờ thân phụ, gian bên phải thờ thân mẫu của Bà. Các ngai thờ và tượng thờ đều có từ lâu đời, theo các nhà nghiên cứu về chữ và cách chạm khắc thì có từ thời Tiền Lê, một số thuộc thời Trần và Hậu Lê. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị thẩm mỹ niên đại từ thời Lê, các tài liệu như thần tích và sắc phong thần từ thời Lê đến thời Nguyễn, các bia đá, minh chuông…

Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ kiệu thuyền bằng gỗ, với các nét chạm trổ mang phong cách nghệ thuật tương tự với kiệu ở chùa Keo, được đoán định niên đại thế kỷ 17.

Các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại của lễ hội Tiên La

– Trong quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội Tiên La, những người tổ chức và người dân tham gia lễ hội đã tạo ra nhiều sản phẩm vật chất như:  lễ vật: lễ vật dâng cúng trong lễ hội được chuẩn bị rất chu đáo và nhiều loại như lợn, gà, gạo, xôi, hoa quả và đặc biệt là bánh chưng và bánh dầy. Đây đều là những sản phẩm của địa phương được người dân thành tâm sắm sửa. Bánh chưng dâng thánh phải là bánh chưng chay còn bánh dày trắng, dẻo, mềm và mịn; cả bánh chưng, bánh dày phải có kích thước lớn, đặc vừa khít vào lòng của mâm. Đây là thành quả hợp sức lao động của nhiều thành viên trong gia đình và xóm làng già, trẻ, trai gái… Các đạo cụ, dụng cụ sử dụng trong lễ hội: gươm, giáo, mác, thanh la… để diễn trận. Trang phục truyền thống các dân tộc: đến ngày hội ai ai cũng sắm cho mình quần áo truyền thống chỉnh tề, tươm tất: người theo rước thì mặc trang phục lễ hội, người diễn trận và đua trải thì mặc trang phục và mang đạo cụ quy định cho từng đội diễn.

– Về giá trị tinh thần: đến với lễ hội Tiên La, người dân được thỏa mãn nhu cầu tâm linh: lễ hội tạo cho nhân dân cũng như du khách một điểm đến để trở về với lịch sử của thôn làng. Dưới không gian linh liêng của lễ hội người ta tin rằng sẽ được giao tiếp với Nữ tướng quân Bát Nàn và các vị tướng lĩnh tài ba thông qua cách hành lễ và lời khấn, trình diễn. Ngoài ra, người dân luôn quan niệm “có thờ có thiêng có kiêng có lành” do đó gia đình nào cũng thành tâm sắm sửa, chuẩn bị và trình bày mâm lễ cũng như các lễ vật bày trên mâm. Thông qua cách hành lễ và lễ vật, cùng nhau tưởng nhớ công ơn Bát Nàn tướng quân và các vị tướng lĩnh, thành tâm cầu khấn Bà ban cho cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân an vật thịnh.

  1. Giá trị của lễ hội Tiên La

– Lễ hội Tiên La có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó đánh dấu thời kỳ dân các nơi nổi dậy theo Hai Bà Trưng chống giặc ngoại xâm của người Việt những năm đầu công nguyên và quá trình khởi dựng, phát triển vùng đất Tiên La ( từ “Rãy”- nơi có nhiều cây cối – gắn với lịch sử di chuyển từ miền rừng núi về đồng bằng của Bà). Địa điểm đền Tiên La với đền Rẫy, đền Buộm, chùa Tiên Hương và sông Luộc, sông Tiên Hưng chính là không gian của lễ hội mang đậm giá trị lưu niệm danh nhân, còn lễ hội lại tái hiện lịch sử, gợi nhớ thân thế và sự nghiệp vị nữ tướng Vũ Thị Thục cũng như tri ân công lao của Bà.

– Lễ hội này thể hiện sự suy tôn của cộng đồng đối với công lao to lớn của vị nữ tướng quân có vị trí đặc biệt trong lịch sử. Trong hệ thống tín ngưỡng thờ mẫu, ngoài các Thánh Mẫu thì có các Chầu. Các Chầu Bà hầu hết có chức năng cơ bản giữ yên hậu phương cho nam giới đánh giặc. Song đặc biệt có hai Chầu Bà trực tiếp cầm quân đánh giặc là Chầu Mười mỏ Ba( Lạng Sơn) và Chầu Bát Nàn công chúa. Sự hóa thân này chứng tỏ hiện tượng bát Nàn công chúa đã theo dòng chảy tư tưởng dân gian cùng với vết chân người Việt từ vùng rừng núi xuống tới đồng bằng và người dân nơi đây hết sức tôn kính.

– Lễ hội này là những minh chứng cho sự bồi đắp của các lớp văn hóa trên một hiện tượng lịch sử: khởi đầu là một nhân vật lịch sử có thật, gắn với các cuộc đấu tranh chống giặc Hán ngoại xâm (thời kỳ đầu công nguyên), rồi trở thành người tu hành đạo Phật (sự xuất hiện và phổ biến của Phật giáo), sau đó, cùng với quân của Hai Bà Trưng bị thua trận bởi mưu kế hèn hạ của Mã Viện (ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo ở các làng quê hay sự san định của một số Nho giáo) và khi mất đi lại hóa thân thành vị Chầu Bà (gắn với tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu). Hiện tượng đua trải ngồi trong lễ hội ít nhiều gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

– Lễ hội là môi trường giáo dục tự nhiên nhất mà hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Thực hành và tham dự lễ hội, cộng đồng người dân Tiên La được cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của vùng đất và nhắc nhở con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi khắc công ơn những người có công với dân, với làng, với đất nước. Những câu chuyện huyền sử và lịch sử về Bát Nàn đại vương với các bài hát chầu văn ca ngợi bà, đã, đang và sẽ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc cho người dân nơi đây và người dân quê Bà.

– Lễ hội Tiên La có giá trị tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng, giữa các thôn xóm, gia đình… từ việc chuẩn bị lễ vật (mỗi người góp một chút công sức trong việc cùng làm bánh dày), cho đến các hoạt động nói chung của lễ hội. Đây chính là chất kết dính của các thế hệ, của các cộng đồng dân cư, là phương tiện cho việc đối thoại, cùng nhau chia sẻ, hưởng thụ và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là sợi dây gắn kết các cộng đồng cư dân Hưng Hà, Thái Bình với Phượng Lâu, Phù Ninh, Phú Thọ (quê Bà). Đây là môi trường bảo tồn, giáo dục là lưu truyền văn hóa truyền thống và là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh tập thể mà ở thời điểm nào cũng cần gìn giữ và phát huy.

– Lễ hội Tiên La cũng là nơi cư dân nơi đây nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh trị. Đây là một trong những môi trường tồn tại, nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân thông qua việc thờ nữ tướng Bát Nàn là vị anh hùng dân tộc có thật trong lịch sử, được huyền thoại hóa thành vị thần bảo hộ, che chở cho làng và rồi lại được thánh hóa để trở thành bà Chầu đệ nhị trong tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa của người Việt.

– Lễ hội Tiên La là môi trường thỏa mãn các nhu cầu tín ngưỡng và vui chơi lành mạnh cũng như thú vui ẩm thực của người dân. Thông qua cách thức tổ chức lễ hội Tiên La, phản ánh được sự ứng xử hài hòa với môi trường, ở cách chọn địa điểm cho các nghi lễ, trò chơi diễn ra rất thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Vai trò của di sản đối với đời sống cộng đồng

Lễ hội Tiên La có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và mang tính tổng hợp cao. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và cộng đồng làng xóm. Ở mỗi câu chuyện kể, hình ảnh, nghi lễ, diễn xướng của lễ hội lại đem đến những giá trị tinh thần tích cực cho bản thân mỗi người dân trước những khó khăn của cuộc sống.

Lễ hội là một tài sản chung của cộng đồng, một lễ hội tiêu biểu nhất trong đời sống văn hóa người dân Hưng Hà, có vai trò và sự ảnh hưởng lớn đối với mỗi người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Ai cũng mong muốn được tham gia vào việc tổ chức và thực hành lễ hội một cách tự nguyện và đều cảm thấy hứng khởi, vui vẻ và đầy nhiệt huyết khi được tham gia sinh hoạt chung này của cộng đồng.

Hiện nay, lễ hội Tiên La trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến với Hưng Hà, Thái Bình. Lễ hội Tiên La góp phần phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế của địa phương: dịch vụ du lịch gia tăng, tạo việc làm cho nhiều gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là nâng cao đời sống cộng đồng cư dân Hưng Hà, Thái Bình.

  1. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể

Giữ được lệ từ xưa đến nay, lễ hội Tiên La vẫn được tổ chức mỗi năm một lần Hội chính kỷ niệm ngày mất của Bà và 2 lần vào ngày sinh, ngày dấy binh khởi nghĩa của Bà và đều thu hút sự đóng góp về công sức và vật chất của cộng đồng chủ thể nắm giữ lễ hội cũng như của khách thập phương.

Trong thời gian đứt quãng của nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội Tiên La cũng nằm trong bối cảnh chung, song người dân nơi đây vẫn cố gắng duy trì lễ hoặc cúng tế Bát Nàn tướng quân. Cũng có khi có hoặc có khi không tổ chức những giá chầu và đám rước có lúc nhỏ hẹp, có lúc rầm rộ, nhưng thôn xóm nào cũng cố gắng tham gia như một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh không thể thiếu của cộng đồng và các bài chầu văn kể về lịch sử, thân thế và ca ngợi công đức của Bà vẫn được người dân diễn xướng và lưu truyền.

  1. Các biện pháp bảo vệ

Lễ hội Tiên La đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng không thể thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thái Bình đã thực hiện những hoạt động cụ thể:

– Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh Thái Bình đều kiểm tra và hướng dẫn công tác quản lý lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ cho những người trực tiếp quản lý di tích cũng như cho cộng đồng cư dân nơi đây, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt các dịch vụ và cảnh quan môi trường, không gian tổ chức lễ hội, tuyệt đối không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, chặt chém khách tham quan.

– Quy trình thực hành lễ hội và các nghi thức liên quan trong lễ hội được cộng đồng người dân hai xã tổ chức và thực hiện gần nhất với nghi lễ truyền thống do các thế hệ trước truyền lại. Tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với nghi thức hầu đồng thường xuyên diễn ra trong dịp lễ hội, song việc tôn thờ Bát Nàn tướng quân vẫn giữ vị trí chủ đạo trong tâm thức người dân. Điều này thể hiện qua cách thức thờ tự và mọi hoạt động trong suốt diễn trình lễ hội gắn với lịch sử, thân thế, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của Bà với Tiên La từ xưa đến nay.

– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan đưa lễ hội Tiên La vào tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, kết hợp du lịch lịch sử với du lịch văn hóa. Ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu di tích và lễ hội Tiên La với nhiều hình thức như tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Ngành, báo chí, tờ rơi…

– Không gian tổ chức lễ hội là di tích được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia( đền Tiên La, đền Buộm) nên đã được trùng tu tôn tạo, góp phần tái hiện lại không gian hoàn chỉnh của lễ hội, góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn lễ hội một cách bền vững.

– Phòng Văn hóa huyện Hưng Hà luôn quan tâm tới các cá nhân, tập thể có những đóng góp trong việc thực hành, duy trì và trao truyền các kỹ năng trong hoạt động của lễ hội, đặc biệt là những người cao tuổi: có chính sách thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ têt, hiếu hỉ… Động viên bằng cả vật chất và tinh thần đối với các thế hệ trẻ để họ tiếp tục tham gia học hỏi, thực hành di sản cha ông để lại trong việc duy trì tổ chức lễ hội theo đúng quy trình, cách thức truyền thống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *